Thời Đường Mục Tông Ngưu-Lý đảng tranh

Năm 820, Đường Hiến Tông bị hoạn quan giết hại, Thái tử Hằng lên kế vị, xưng là Đường Mục Tông. Năm sau, Mục Tông cho tổ chức khoa thi tiến sĩ. Sự kiện này được sử gia đời nhà TốngTư Mã Quang coi là mốc khởi đầu của cuộc tranh chấp Ngưu - Lý[5].

Vào lúc đó, Lý Cát Phủ đã chết, Lý Đức Dụ nhờ địa vị của cha mà được bổ dụng làm Học sĩ viện Hàn lâm, còn Lý Tông Mẫn cũng dần leo tới chức Trung thư xá nhân, làm việc tại Trung thư tỉnh. Những người bạn thân của ông ta gồm Dương Nhữ Sĩ làm việc ở Trung thư và Tiền Huy làm Thị lang bộ Lễ, được giao nhiệm vụ chấm thi. Trong khoa ấy, cựu tể tướng Đoàn Văn Xương và học sĩ Lý Thân ngầm sai người đem lễ vật đến xin nâng điểm cho cháu của họ có tên trong khoa bảng, nhưng Tiền Huy không chịu. Kết quả cuộc sát hạch năm đó, hai người cháu của Đoàn và Lý đều không đỗ, nhưng Trịnh Lãng, em trai của Môn hạ thị lang Trịnh Đàm; Bùi Soạn, con trai cựu tể tướng Bùi Độ; Tô Sào (con rể Lý Tông Mẫn) và Dương Ân Sĩ (em của Dương Nhữ Sĩ) lại có tên trên bảng vàng. Cả triều đình lại xôn xao bàn luận, và Đoàn Văn Xương gửi tấu nói Dương Nhữ Sĩ và Tiền Huy chấm thi không công chính. Mục Tông đem sự việc hỏi các vị Học sĩ, và Lý Đức Dụ trả lời là quả có chuyện tư túi trong lúc chấm bài, Đoàn Văn Xương và Lý Thân do đó cũng phụ họa theo. Mục Tông bèn hạ chỉ cho Vương Khởi tổ chức thi lại, đồng thời cách chức Tiền Huy, Dương Nhữ Sĩ và Lý Tông Mẫn, hủy kết quả 10 bài thi đậu đã công bố khi trước[5].

Năm 823, Ngưu Tăng Nhụ ngoi lên chức Thị lang bộ Hộ, và được Mục Tông kính trọng. Khi Tiết độ sứ Hàn Hoằng chết, Mục Tông khám phá ra rằng tất cả các quan chức đều đã từng nhận hối lộ của họ Hàn, chỉ có Tăng Nhụ là không, vì thế đã trọng dụng ông ta cho chức phó tể tướng; còn Lý Đức Dụ, cũng được coi là một ứng viên tiềm năng cho tướng vị, lại bị đẩy làm Quan sát sứ ở Chiết Tây[6], và trong tám năm tiếp theo không hề được thăng chức. Đức Dụ tin rằng Thủ tướng Lý Phùng Cát (cũng được liệt vào những lãnh đạo đảng Ngưu)[4] đã đề xuất Tăng Nhụ làm phó tướng để loại mình đi, do thế cũng oán cả Phùng Cát và Tăng Nhụ[7].

Trong khi đó, Lý Thân, lúc đó vẫn là Học sĩ viện Hàn lâm và được Mục Tông kính trọng, thường chỉ trích Lý Phùng Cát và đồng minh của ổng là Trung úy quân Thần Sách Vương Thủ Trừng[8]. Phùng Cát tìm cách để Lý Thân không gặp nhà vua mà nói xấu mình nữa, và điều Thân làm Ngự sử Trung thừa, rồi dùng Hàn Dũ làm Kinh Triệu doãn, kiêm Ngự sử đại phu, không cho phép Ngự sử đài tranh luận sề sự bổ nhiệm này. Theo luật triều đình, Hàn Dũ là phủ doãn phải theo lệnh của Ngự sử, nhưng Hàn Dũ cho rằng mình cũng là Ngự sử đại phu không chịu lép vế trước Lý Thân[9], rồi hai bên dùng mấy lời tục tĩu mà lăng mạ đối phương. Lý Phùng Cát nhân đó tâu lên nhà vua xin giáng chức cả hai, trong đó Hàn Dũ biếm làm Thị lang bộ Binh, Thân làm Quan sát sứ Giang Tây[10]. Nhưng rồi Mục Tông nhận ra tất cả đều là âm mưu của Lý Phùng Cát, cho nên lại triệu Lý Thân làm Thị lang bộ Hộ[7].

Liên quan